Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

CÁC GIẢI PHÁP MANG TÍNH KỸ THUẬT ĐẾN HOẠT ĐỘNG M&A

Doanh nghiệp cần chú trọng đến việc xác định mục tiêu khi thực hiện hoạt động M&A

Việc xác định mục tiêu cần đạt được của một vụ mua lại, sáp nhập doanh nghiệp là một việc rất quan trọng bởi vì nó là cơ sở để doanh nghiệp xác định các nội dung cần thực hiện cho vụ giao dịch, là cơ sở để đánh giá kết quả của vụ giao dịch. Việc xác định được mục tiêu cần đạt được khi tiến hành hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp thực hiện các bước tiếp theo như xác định đối tác, các nội dung cần thương thảo và các công việc cần phải thực hiện trong quá trình đàm phán và hợp nhất doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần căn cứ và bám sát những mục tiêu đã được đề ra trước đó để tiến hành thực hiện, tránh việc bị sa lầy vào những cám dỗ của đối tác làm phát sinh những chi phí hay phải gánh chịu những nghĩa vụ không nhất thiết phải chấp nhận.
Cơ sở để doanh nghiệp xác định mục tiêu để thực hiện hoạt đông mua lại, sáp nhập doanh nghiệp đó là nguồn nội lực và khả năng hiện tại của doanh nghiệp. Như vậy, để xác định chính xác mục tiêu phải đạt được thì trước đó doanh nghiệp cần kiểm tra, đánh giá lại tình hình hiện tại của doanh nghiệp để xác định những nguồn lực hiện tại doanh nghiệp đang có và đang thiếu. Những mục tiêu mà hoạt động M&A cần đạt được sẽ nhắm đến để bổ sung những nguồn lực hiện đang thiếu của doanh nghiệp. Việc bổ sung những nguồn lực này cần phải được lên kế hoạch rõ ràng về thời gian, giai đoạn thực hiện, hay nói cách khác, dựa trên thực trạng của doanh nghiệp để lập chiến lược và đưa vào chiến lược đó kế hoạch thực hiện hoạt động M&A. Doanh nghiệp cần trả lời được các câu hỏi như:
– Các nguồn lực là thế mạnh hiện tại của doanh nghiệp là những nguồn lực nào?
– Hiện tại doanh nghiệp còn thiếu những nguồn lực nào để đáp ứng cho chiến lược phát triển doanh nghiệp trong tương lai
– Tại sao doanh nghiệp cần thực hiện việc mua lại, bán hay sáp nhập với doanh nghiệp khác?

Các bước doanh nghiệp nên thực hiện để xác định chính xác mục tiêu cho từng thương vụ M&A:

– Đánh giá lại các nguồn lực và khả năng hiện tại của doanh nghiệp
– Xác định các nguồn lực mà doanh nghiệp cần được bổ sung
–  Lập chiến lược phát triển doanh nghiệp: đưa vào trong bảng chiến lược giai đoạn cần thực hiện M&A để cải thiện các nguồn lực của doanh nghiệp
– Xác định mục tiêu của vụ M&A

Doanh nghiệp cần phân tích kỹ đối tác để tránh bị thâu tóm

Tùy theo mục tiêu cần đạt được mà doanh nghiệp sẽ tìm kiếm hoặc nhờ công ty tư vấn, môi giới tìm đối tác tham gia vào thương vụ giao dịch này. Đối tác được chọn phải đáp ứng được những mục tiêu do mình đề ra. Để biết là doanh nghiệp đối tác có đáp ứng được những mục tiêu đó hay không thì việc thu thập số liệu, thông tin ở hiện tại và quá khứ, để phân tích đánh giá kỹ về doanh nghiệp là một công việc cần làm.
Trong trường hợp, doanh nghiệp được doanh nghiệp khác chọn đối tác thì việc phân tích, đánh giá kỹ đối với đối tác càng quan trọng hơn. Vì trong trường hợp đó doanh nghiệp đang ở trong tình trạng bị động và có khả năng đằng sau lời đề nghị thực hiện M&A là những ý định không tốt. Việc phân tích kỹ về đối tác là một trong những việc cần thực hiện để tránh tình trạng bị thâu tóm bởi doanh nghiệp khác thông qua hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp. Phân tích và đánh giá doanh nghiệp đối tác tập trung vào các nội dung như: tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, tình hình tài chính và thuế, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đối với các hợp đồng hiện tại và tương lai, nguồn nhân lực, văn hóa công ty, cách thức tổ chức và hệ thống thông tin của doanh nghiệp.

Khi đánh giá về doanh nghiệp đối tác cần lưu ý trả lời những câu hỏi sau:

– Các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp đối tác có thực sự phù hợp với lĩnh vực mà doanh nghiệp mình đang hoạt động hay không?
– Những nguồn lực nào được xem là thế mạnh của doanh nghiệp đối tác?
– Sự kết hợp các nguồn lực có thể giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu đã được đề ra hay không?
– Giá trị hiện tại của doanh nghiệp đối tác là bao nhiêu?
– Giá trị doanh nghiệp sẽ sụt giảm hay gia tăng sau khi tiến hành M&A với đối tác?
– Văn hóa doanh nghiệp của hai bên có sự khác biệt quá nhiều hay không. ?
– Khả năng tương thích của hệ thống thông tin giữa hai doanh nghiệp như thế nào? (điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn công nghệ phát triển mạnh như hiện nay)
Trong các câu hỏi cần trả lời ở trên thì câu nào cũng có một tầm quan trọng nhất định, nhưng để trả lời cho câu hỏi giá trị của doanh nghiệp đối tác là bao nhiêu thì rất khó. Việc xác định giá trị doanh nghiệp sẽ phải dựa vào kỹ thuật và cả nghệ thuật của những người là công tác định giá giá trị doanh nghiệp.Về phương diện kỹ thuật thì có rất nhiều kỹ thuật khác nhau để xác định giá trị tài sản hữu hình và tài sản vô hình, và mỗi phương pháp sẽ có thể đưa ra mức giá trị doanh nghiệp khác nhau và thậm chí có trường hợp đưa ra kết quả có sự khác biệt rất lớn. Sự tạo nên sự cách biệt lớn về giá trị doanh nghiệp chủ yếu là do tài sản vô hình tạo nên. Trên thực tế có rất nhiều phương pháp dùng định giá giá trị doanh nghiệp, tuy nhiên mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng nên nó sẽ thích hợp được vận dụng trong từng trường hợp cụ thể. Vì thế doanh nghiệp cần phải biết cách lựa chọn phương pháp ứng dụng thích hợp với điều kiện hiện tại của doanh nghiệp, đó chính là nghệ thuật của người quản trị các vụ giao dịch mua lại, sáp nhập doanh nghiệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét