Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

KINH NGHIỆM QUẢN LÝ CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI CỦA MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ

Kinh nghiệm của một số địa phương trong nước

Trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đã được đổi mới và từng bước hoàn thiện; môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý ngày càng thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao, ổn định và thành công trong thu hút các dự án đầu tư nước ngoài.

Kinh nghiệm của thành phố Hà Nội

Thành công của Hà Nội trong quản lý các doanh nghiệp FDI là do các nguyên nhân sau: Một là, Hà Nội đã xây dựng được quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, đây là cơ sở quan trọng cho việc định hướng chiến lược thu hút đầu tư và đề ra các quyết sách quản lý hoạt động FDI. Căn cứ vào chiến lược tổng thể, Hà Nội đã xác định nhu cầu về vốn FDI đến năm 2020, đề ra chiến lược thu hút vốn FDI. Xác định và phân loại các ngành, nghề ưu tiên khuyến khích đầu tư. Nhờ đó, đã tạo dựng được cơ sở thông tin chính xác, đáng tin cậy có tính dài hạn cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tại Hà Nội. Hai là, từ tình hình thực tế, Hà Nội đã xây dựng quy hoạch và lập danh mục dự án gọi vốn FDI, và coi đó là nguồn vốn quan trọng vì nó không chỉ tạo nguồn vốn mà còn là cơ hội đổi mới công nghệ, đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề, tiếp thu cách quản lý hiện đại và mở rộng thị trường. Ba là, ban hành một số chính sách ưu đãi đối với FDI. Hà Nội đã ban hành chính sách ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, chính sách ưu đãi về giá đất, xây dựng kết cấu hạ tầng và giảm, miễn thuế đối với các lĩnh vực đang là đòn bẩy kinh tế quan trọng. Hệ thống chính sách đối với doanh nghiệp FDI cụ thể, chi tiết đối với từng lĩnh vực hoạt động, từng khu vực và được chính quyền thành phố Hà Nội quan tâm củng cố, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư cũng như lợi ích của thành phố, của đất nước.

Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu công nghiệp của Quảng Nam

Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc thuộc tỉnh Quảng Nam được xem là hình mẫu của các khu công nghiệp ở miền Trung. Trong vòng 4 năm (từ 1999 đến 2002) đã thu hút được 31 dự án đầu tư, với lượng vốn ban đầu 1.300 tỷ đồng và giải quyết được 10.000 lao động.Thành công của khu công nghiệp này là do các nhân tố sau:
– Sự đồng thuận cùng với những quan tâm, ưu đãi đặc biệt của chính quyền các cấp trong việc thu hút vốn. Đồng thời Quảng Nam đã đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; – Hồ sơ, thủ tục của các nhà đầu tư được hoàn tất nhanh gọn chỉ trong vòng 3 ngày; – Miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong suốt thời gian dự án. Hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm (tuỳ theo từng loại dự án) kể từ khi doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế; – Giúp các nhà đầu tư tuyển dụng lao động và hỗ trợ 60% chi phí đào tạo nhân công. Đảm bảo giá và chi phí về các loại dịch vụ ở mức thống nhất chung.

Kinh nghiệm ở Đồng Nai

Đồng Nai là tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài thành công nhất trong cả nước. Từ năm 1998 đến 2002, Đồng Nai đã thu hút được 409 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 5.488,2 triệu USD, chiếm 14,03% lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đồng Nai chiếm từ 45 – 50% tổng vốn đầu tư của toàn tỉnh. Thành công đó được đúc kết thành bài học sau: Thứ nhất, Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân đồng tâm nhất trí tìm các biện pháp hợp lý nhất để thu hút vốn FDI trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Trong công tác quản lý nhà nước, các cơ quan đã thực hiện thành công quy chế quản lý một cửa, thời gian cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài nhanh chóng (năm 2003 đã cấp giấy phép cho công ty Mainetti Vietnam 100% vốn Singapore chỉ mất 3 giờ đã được vào khu công nghiệp Amata). Thứ hai, vận dụng sáng tạo chủ trương thu hút vốn FDI, từ năm 1988 Đồng Nai đã quy hoạch các khu công nghiệp đáp ứng cho nhu cầu bố trí dự án đầu tư và đã thu hút được các dự án tập trung vào khu công nghiệp. Đồng thời, linh hoạt cho phép công ty phát triển kết cấu hạ tầng đàm phán thỏa thuận với nhà đầu tư ứng trước phí sử dụng hạ tầng, đã tạo được nguồn vốn rất quan trọng để xây dựng kết cấu hạ tầng ban đầu. Chú trọng công tác xúc tiến, vận động đầu tư. Thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đóng góp ý kiến, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và các bộ ngành Trung ương, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, qua đó các cơ quan quản lý địa phương cải tiến dần lề lối làm việc. Thứ ba, chú trọng công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp cho người lao động. Các trung tâm xúc tiến việc làm trước khi giới thiệu người lao động để doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng, bồi dưỡng cho người lao động biết được quy định của Bộ luật lao động. Riêng đội ngũ cán bộ quản lý được đào tạo bồi dưỡng, khá về chuyên môn nghiệp vụ và có trách nhiệm đối với công việc. Thứ tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển song hành với thu hút FDI: tích cực tác động và huy động các nguồn vốn trong xã hội để đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho các nhà đầu tư. 1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét